Tập đoàn FLC xác định nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong những lĩnh vực đầu tư trọng điểm và được đẩy mạnh thời gian tới, trong đó việc lựa chọn hợp tác về công nghệ với những quốc gia hàng đầu thế giới về NNCNC như Nhật Bản, Israel, Hà Lan… sẽ được đặc biệt ưu tiên.
Đón đầu xu thế
Được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, khi nông nghiệp được đầu tư có trọng điểm, nền kinh tế sẽ được củng cố và phát triển bền vững; chính vì vậy, nông nghiệp là lĩnh vực ngày càng được chú trọng hỗ trợ và phát triển từ Chính phủ. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ như ngày nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp sẽ là hướng đi tất yếu nhằm giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận xét: “Chưa bao giờ xã hội có sự quan tâm đến nông nghiệp như hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phát triển NNCNC. Điều này kỳ vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp nước ta”.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Chính bởi những tiềm năng phát triển của ngành, Chính phủ đã quyết định nâng gói hỗ trợ tín dụng cho NNCNC từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Tận dụng xu thế của kỷ nguyên mới và chủ trương hỗ trợ của Chính Phủ, Tập đoàn FLC là một trong những doanh nghiệp đang có những kế hoạch đầu tư quy mô và bài bản vào lĩnh vực NNCNC.
Những kế hoạch gia nhập thị trường đã được Tập đoàn FLC ấp ủ từ lâu, điển hình là trước đó đã mua 100% vốn CTCP Nông dược H.A.I với truyền thống 30 năm sản xuất KD phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Từ cuối năm 2017, thông qua việc sáp nhập CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM, Tập đoàn FLC đã chính thức phát triển mảng sản xuất để chủ động sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó sẽ thực hiện mô hình liên kết với các hộ dân.
“Mục tiêu của Tập đoàn FLC là tạo ra những sản phẩm chất lượng cao cho thị trường; góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững vì sức khỏe và tương lai lâu dài của người dân. Để làm được điều này, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu.” Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết.
Việc Tập đoàn FLC nêu định hướng mở rộng đầu tư này đã khiến thị trường bất ngờ bởi một “đại gia” trong ngành dịch vụ và thương mại tưởng như “ngoại đạo” trong lĩnh vực nông nghiệp giờ đây lại tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông sản. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Tập đoàn FLC đang sở hữu quỹ đất nông nghiệp lớn tại những khu vực được đánh giá là có thời tiết thuận lợi để phát triển những giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn FLC đã khảo sát trên 20 tỉnh thành tại nhiều vùng khí hậu khác nhau trên cả nước và trước mắt sẽ tiến hành triển khai canh tác tại Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Trị ngay trong năm 2018.
Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng đang ưu tiên lựa chọn hợp tác về công nghệ với những quốc gia hàng đầu về NNCNC như Nhật Bản, Israel, Hà Lan… Vào tháng 12/2017, Tập đoàn FLC đã ký thoả thuận hợp tác với Công ty Farmdo (Nhật Bản) phát triển hệ thống trang trại NNCNC kết hợp năng lượng mặt trời, đồng thời Farmdo cũng sẽ chuyển giao công nghệ cho Tập đoàn FLC những kỹ thuật canh tác đang được áp dụng tại Nhật Bản, như kỹ thuật Hydroponics (thuỷ canh với hệ thống phân bón tự động), điều hoà không khí và rèm mái che tự động, chọn lọc giống có hàm lượng dinh dưỡng cao…
Hiện tại, FAM có nông trường tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định và Hà Tĩnh. Dự kiến trong tháng 10, FAM sẽ ra mắt thị trường 2 sản phẩm là dưa lưới vỏ vàng ruột cam và dưa lưới vỏ xanh ruột cam. Sản phẩm sẽ được ưu tiên cung cấp cho các quần thể du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC, sau đó là một số thị trường bán lẻ khác. |